Có một mùa thu rất khác ở Ladakh

03/11/2019 14:29

Tôi từng tới Ấn Độ 2 lần trước đó, ấn tượng đầu tiên về nơi này là vẻ ồn ào, đông đúc của người và xe cộ, thời tiết nóng bức lắm lúc tới mức hoa mắt, chóng mặt.

Cuối thu ở Ladakh

Vì thế, khi tới Ladakh tôi như lạc vào một thế giới hoàn toàn khác với những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng ẩn hiện dưới mây, đường phố vắng và rộng rãi, trời se lạnh, trong lành.

Ladakh nằm ở bang Jammu và Kashmir - được coi là vương miện của Ấn Độ vì giáp Pakistan và Tây Tạng. Từ xa, lúc nhìn thấy màu xanh của Pangong Tso, tôi đã không khỏi kinh ngạc và khi tới được sát mép hồ, chạm tay vào làn nước xanh kỳ ảo, tôi mới tin những cảnh đẹp này không phải là mơ.

Tôi chọn cho mình một góc, im lặng tận hưởng khoảnh khắc này, nhìn ngắm mọi người lao xao chụp ảnh cho tới khi hoàng hôn buông xuống. Tôi ngủ lại trong một chiếc lều của người dân ngay cạnh mép hồ, rất ấm cúng và đầy đủ tiện nghi cơ bản.

Buổi sáng sớm thức dậy trong cái lạnh tê tái, đi bộ dạo quanh ngôi làng, thấy từng vạt nắng xuyên qua những vòm lá cây lóng lánh. Màu vàng của cây lá, màu xanh của hồ, màu nâu của núi, màu trắng của tuyết khiến Pangong Tso rực rỡ như một nàng công chúa đang say ngủ.

Thuê xe máy chạy quanh hồ Tso Moriri là một trải nghiệm không thể bỏ lỡ

Khác với Pangong Tso có đông khách du lịch, nằm lặng lẽ và bình yên dưới những rặng núi là hồ Moriri (Tso Moriri). Hồ này dài khoảng 120 km, nằm ở độ cao trên 4.500 m, là hồ nước lợ lớn nhất Ấn Độ.

Du khách chỉ có thể tới hồ từ tháng 4 tới tháng 10 do 6 tháng còn lại trong năm đường vào hồ sẽ bị đóng băng không thể đi được. Không có nước nóng, không có wifi, thậm chí còn không có sóng điện thoại thường xuyên khiến bạn như rời xa thế giới ồn ào và xô bồ để tới một nơi chỉ có thiên nhiên, con người giản dị, nồng nhiệt, nơi cuộc sống tự cung tự cấp là chủ yếu.

Có lẽ do thiên nhiên khắc nghiệt, khó sinh tồn nên tôn giáo đóng một vị trí rất quan trọng với người dân Ladakh. Ladakh có khoảng 35 tu viện.

Các tu viện lớn sẽ có thư viện lưu giữ kinh Phật, được trang hoàng bởi những bức tranh Phật giáo, tượng Phật với nhiều sắc thái biểu cảm phong phú, đa dạng.

Đặc biệt nhất là tu viện Thiksey, nơi có tượng phật Di Lặc cao nhất Ladakh (15 m) được làm vào năm 1980 khi Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tenzin Gyatso đến thăm nơi này.

Tu viện Stakna nổi tiếng

Tượng phật Di Lặc có tạo hình ấn chuyển pháp luân tuyệt đẹp, họa tiết tinh tế toát lên vẻ hiền từ thanh khiết. Do vị trí của hầu hết các tu viện ở đây đều nằm trên núi cao nên khung cảnh xung quanh rất hùng vĩ. 

Tôi dành cả ngày để đi bộ xung quanh ngôi làng Korzok nằm bên bờ hồ Moriri, quan sát người dân vắt sữa dê trong chuồng để làm bơ, thực phẩm, nghe tiếng dê kêu be be, tiếng chó chăn cừu, tiếng người xua đàn dê đi đúng hướng, tiếng í ới gọi nhau trên cánh đồng và nắng thì chan hòa khắp nơi. Tôi đã thả mình nằm lăn trên đồng cỏ ngay sát mép hồ, giữa một bầy dê, cừu để tận hưởng giây phút nhỏ bé giữa thiên nhiên. 

Ở Ladakh có một câu nói rất thân thương là "Julley", nghĩa là xin chào, cũng là tạm biệt. Julley còn được dùng khi chúc phúc cho người khác hay lúc cầu nguyện. Từ ngày đầu tiên đặt chân đến vùng đất thân thương này cho tới khi lên máy bay trở về, tôi đã nhận được rất nhiều lời chào, lời chúc "Julley" với nụ cười hiền hậu, tươi vui. Con người, thiên nhiên nơi đây khiến tôi thêm yêu mảnh đất này và hy vọng sẽ còn có ngày gặp lại.

NGỌC NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có một mùa thu rất khác ở Ladakh